Con người là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công và bền vững của một tổ chức. Bởi đội ngũ nhân viên chính là những người đảm nhận mọi hoạt động trong doanh nghiệp. Chính vì thế, việc quản lý nhân sự đòi phải có chiến lược, kế hoạch và phương pháp cụ thể. Một trong số những chiến lược quản lý hay được nhắc đến và sử dụng phổ biến chính là Job Rotation. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về khái niệm “Job Rotation là gì?” cũng như giải đáp các thắc mắc liên quan đến lợi ích và khó khăn khi áp dụng chiến lược này nhé.
1. Khái niệm Job Rotation là gì?
Job Rotation (Luân chuyển công việc) là một chiến lược trong quản lý nhân sự và quản lý tài nguyên con người, liên quan đến việc di chuyển nhân viên qua nhiều vị trí công việc khác nhau trong tổ chức. Mục tiêu của Job Rotation là giúp nhân viên có cơ hội trải nghiệm và phát triển kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thay vì chỉ tập trung vào một công việc cụ thể.
Ngoài ra, Job Rotation không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi giữa các vị trí công việc khác nhau mà còn có thể áp dụng trong cùng một vị trí nhưng phân chia và giao các dự án hoặc nhiệm vụ khác nhau cho nhân viên.
Job Rotation là gì? Đây là một chiến lược trong quản lý nhân sự và quản lý tài nguyên con người
2. Lợi ích của Job Rotation là gì?
2.1 Phát triển kỹ năng đa dạng
Job Rotation giúp nhân viên phát triển các kỹ năng đa dạng bằng cách làm việc trên nhiều vị trí khác nhau. Hay thậm chí là cùng một vị trí nhưng nhân viên lại được thử sức với nhiều dự án và nhiệm vụ khác nhau. Điều này sẽ giúp cho họ học thêm được nhiều kiến thức và kỹ năng mới, nâng cao năng lực của bản thân. Đồng thời, có thể rèn luyện khả năng thích nghi trong môi trường mới, dễ dàng hòa nhập và nắm bắt nhanh chóng.
Job Rotation giúp nhân viên phát triển các kỹ năng đa dạng bằng cách làm việc trên nhiều vị trí
2.2 Tăng hiểu biết về tổ chức
Nhân viên được làm việc ở nhiều vị trí và dự án, nhiệm vụ khác nhau sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về các hoạt động cũng như quy trình vận hành của tổ chức. Điều này giúp tạo sự gắn bó và thấu hiểu giữa các nhân viên, giữa nhân viên và doanh nghiệp trong tổ chức. Mỗi cá nhân sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thử thách khi đảm nhận vị trí mà mình chưa từng tiếp xúc. Từ đó, dễ dàng đồng cảm và chia sẻ với những nhân sự đã từng đương nhiệm công việc này. Đồng thời, thông qua việc chuyển đổi, những khía cạnh khó khăn của doanh nghiệp cũng được bộc lộ ở mỗi vị trí và dần dần, tất cả thành viên sẽ hiểu được những vất vả này, sẵn sàng đồng hành và nỗ lực hết mình.
Tạo sự gắn bó và thấu hiểu giữa các nhân viên, giữa nhân viên và doanh nghiệp trong tổ chức
2.3 Thúc đẩy sự sáng tạo và khám phá
Thông thường, tại hầu hết các doanh nghiệp, ban lãnh đạo và các cấp quản lý sẽ thúc ép trong công tác đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, điều này lại “phản tác dụng” khiến cho nhân viên không cảm thấy hứng thú và không hiểu được những giá trị đằng sau dụng ý của lãnh đạo, dẫn đến công tác đào tạo trở nên lãng phí thời gian và tiền bạc. Nhưng giờ đây, khi áp dụng chiến lược Luân chuyển công việc (Job Rotation), nhân viên không chỉ được tiếp xúc với nhiều điều mới lạ mà còn giúp thôi thúc tinh thần học hỏi và khám phá bên trong mỗi người. Thay vì cảm giác khó chịu như trước đây, các thành viên sẵn sàng và tự nguyện tham gia khóa học, tự mày mò, tìm tòi và nghiên cứu về những vấn đề mà mình gặp phải. Đồng thời, áp dụng chiến lược này cũng sẽ giúp nhân viên phát huy khả năng sáng tạo của mình khi được làm việc và học hỏi ở một môi trường mới mẻ.
Áp dụng chiến lược quản lý nhân sự sẽ giúp nhân viên phát huy khả năng sáng tạo của mình
2.4 Giảm sự nhàm chán
Chính vì được luân chuyển qua nhiều công việc và dự án khác nhau giúp cho nhân viên không cảm thấy nhàm chán và mất hứng thú trong việc. Công việc mới, vị trí mới sẽ giúp họ có cơ hội thay đổi môi trường và liên tục tiếp xúc với nhiều điều mới khiến cho bản thân họ muốn khám phá và tìm hiểu mỗi ngày. Đồng thời, điều này cũng sẽ giúp nhân viên gặp gỡ và tạo dựng các mối quan hệ lành mạnh, cùng nhau hợp tác và làm việc giữa các phòng ban khác nhau. Từ đó, việc xây dựng văn hoá công ty tích cực cũng trở nên dễ dàng hơn.
Luân chuyển qua nhiều công việc khác nhau giúp cho nhân viên không cảm thấy nhàm chán
2.5 Tăng khả năng lãnh đạo
Job Rotation có thể là bước đầu tiên trong việc phát triển nhân viên trở thành lãnh đạo trong tương lai. Bằng cách luân chuyển công việc, nhân viên có cơ hội học hỏi và tìm hiểu sâu về quy trình làm việc, những yêu cầu và đòi hỏi trong từng vị trí đã đảm nhiệm. Từ đó, họ sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm, khả năng xử lý và thực hiện các dự án nhanh chóng, gọn gàng hơn. Đặc biệt là kỹ năng giải quyết các tình huống cũng sẽ được trau dồi, dễ dàng đưa ra giải pháp đúng đắn và chính xác, hạn chế tối thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
Job Rotation có thể là bước đầu tiên trong việc phát triển nhân viên trở thành lãnh đạo trong tương lai
2.6 Nâng cao hài lòng của nhân viên
Doanh nghiệp áp dụng hiệu quả chiến lược Job Rotation không chỉ giúp nhân viên nâng cao năng lực của bản thân mà còn giúp tạo sự gắn kết giữa nhân viên và tổ chức. Việc doanh nghiệp luôn tạo cơ hội thúc đẩy sự tiến bộ cá nhân sẽ khiến cho nhân viên cảm nhận được sự quan tâm chân thành của tổ chức đối với sự phát triển của họ. Từ đó, tình cảm giữa hai bên sẽ được bồi đắp và bền vững lâu dài. Nhân viên sẵn sàng cống hiến và trung thành tuyệt đối với doanh nghiệp, cũng như không ngại đồng hành cùng tổ chức qua những giai đoạn khó khăn. Hay thậm chí, họ còn có thể xem công ty như gia đình thứ hai của mình, cảm thấy bản thân cần phải có trách nhiệm nỗ lực vì sự phát triển của cả tổ chức.
Nhân viên cảm nhận được sự quan tâm chân thành của tổ chức đối với sự phát triển của họ
3. Khó khăn của Job Rotation là gì?
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc áp dụng Job Rotation phải đối mặt với một số khó khăn và thách thức. Dưới đây là một số khó khăn khi áp dụng Job Rotation trong quản lý nhân sự:
3.1 Sự khó khăn trong việc thực hiện
Việc triển khai chiến lược Job Rotation đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tính toàn diện, bao gồm việc xác định mục tiêu, lên kế hoạch, thực hiện công tác đào tạo, đánh giá và duy trì theo dõi hiệu suất. Điều này có thể mang lại nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp mới thành lập, non nớt và ít nhân sự đáp ứng. Ngoài ra, áp dụng Job Rotation có thể tạo ra nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và phân bổ nguồn lực, xác định vị trí cần xoay chuyển, và thời gian phù hợp cho mỗi vị trí.
3.2 Gây mất thời gian và tài nguyên
Một điều hiển nhiên là khi luân chuyển sang một vị trí mới, nhân sự sẽ phải trải qua quá trình đào tạo và thích nghi. Điều này có thể mất nhiều thời gian, dẫn đến tạm thời giảm hiệu suất làm việc của nhân viên trong thời gian đó. Đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp không chỉ bị giảm đi hiệu suất và lợi nhuận mà còn phải mất một khoản chi phí phục vụ cho công tác đào tạo mới.
3.3 Chất lượng công việc không đảm bảo
Việc áp dụng chiến lược Job Rotation có thể khiến chất lượng đầu ra không được đảm bảo. Hiển nhiên, một nhân viên đã có kinh nghiệm với vị trí mà họ đã đảm nhiệm chắc chắn sẽ thành thạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ và dự án hơn một nhân viên mới được chuyển giao. Điều này có thể khiến cho chất lượng sản phẩm và dịch vụ không được đảm bảo, doanh nghiệp cần phải xác định mốc thời gian phù hợp trong công tác luân chuyển và giới hạn thời gian đảm nhận các vị trí.
3.4. Sự phân tâm và sự mất động lực
Việc áp dụng Job Rotation cũng có thể khiến nhân viên mất động lực khi bản thân họ không thể phát triển và tìm hiểu sâu hơn trong một vị trí cụ thể. Đồng thời, việc liên tục chuyển đối khiến cho nhân viên phải thường xuyên đối mặt với những khó khăn khi mà họ phải học cách thích nghi với môi trường mới. Chẳng hạn: Một nhân viên Marketing đang nỗ lực hết mình với công việc và vị trí mình đang đảm nhận nhưng đột nhiên phải luân chuyển công việc sang một vị trí mới và họ lại phải bắt đầu hỏi hỏi từ đầu.
3.5 Khó khăn trong việc đánh giá hiệu suất
Việc đánh giá và theo dõi hiệu suất của nhân viên trong các vị trí khác nhau có thể phức tạp và đòi hỏi một hệ thống đánh giá hiệu quả hơn. Bởi vì mỗi cá nhân sẽ có sở trường, điểm mạnh và điểm yếu riêng biệt. Một nhân viên có tiềm năng trong lĩnh vực Marketing không thể được đánh giá dựa trên khả năng tính toán về hiệu suất, lợi nhuận, chất lượng sản phẩm,… như một nhân viên tài năng trong lĩnh vực quản lý, quản trị kinh doanh. Từng thành viên cần phải được đánh giá đúng khả năng trong lĩnh vực của họ.
3.6 Sự không ổn định trong tổ chức
Sự không ổn định sẽ là một trong những khó khăn lớn nhất khi áp dụng chiến lực luân chuyển công việc Job Rotation này. Việc thay đổi vị trí và công việc thường xuyên sẽ khiến cho nội bộ không có sự ổn định và rõ ràng. Điều này dẫn đến, kết quả kinh doanh cũng không được đảm bảo và rất khó để kiểm soát. Bởi vì không phải nhân viên nào cũng có khả năng đảm nhận tốt vị trí mà mình được chuyển giao, dẫn đến hiệu suất sẽ liên tục tăng giảm thất thường. Điều này sẽ không phù hợp với những tổ chức hoạt động cố định như bệnh viện, nhà nước, trường học,… Và chỉ nên sử dụng trong các doanh nghiệp hoạt động với sự sáng tạo như công ty quảng cáo, lập trình, kinh doanh,…
Tổng kết
Như vậy, những thông tin của bài viết đã giúp bạn trả lời câu hỏi” Job Rotation là gì?” và giải đáp một số thắc mắc liên quan đến lợi ích và khó khăn khi áp dụng chiến lược quản lý nhân sự này trong tổ chức. Mặc dù, Job Rotation mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số khó khăn nhất định. Doanh nghiệp không chỉ phải xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch mà còn phải tiến hành công tác đào tạo nhân sự trước khi áp dụng chiến lược này. Nếu doanh nghiệp của bạn đang có nhu cầu và cần sự hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn lực thì đừng ngần ngại liên hệ với hệ thống Giải pháp đào tạo trực tuyến MGE của chúng tôi nhé.
>> Xem thêm tại: Demo hệ thống đào tạo trực tuyến MGE trên máy tính (PC)