Quản trị nguồn nhân lực hiệu quả là một trong những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp đi đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, không phải mọi nhân viên trong doanh nghiệp đều hiểu về mục tiêu của doanh nghiệp từ đó đề ra mục tiêu cá nhân nhằm đóng góp vào sự phát triển của công ty. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp cần tốn thêm nhiều thời gian để định hướng, quản lý nhân viên thực hiện công việc theo mục tiêu đi đúng lộ trình phát triển. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu OKRs – 1 phương pháp quản trị nhân sự được nhiều doanh nghiệp hàng đầu: Google, Uber, FPT… sử dụng.
OKRs là gì? Lợi ích trong việc quản trị nguồn nhân lực
OKRs (Objective and Key Results) là phương pháp quản trị nguồn nhân lực bằng mục tiêu và các kết quả then chốt. Đây được coi là công cụ đơn giản nhằm tạo sự liên kết và tham gia của toàn doanh nghiệp xung quanh các mục tiêu then chốt có thể đo lường được. Hiểu 1 cách đơn giản, mỗi nhân viên sẽ cần phải đưa ra các mục tiêu công việc (dựa trên mục tiêu của doanh nghiệp, mục tiêu của team) và các kết quả cần phải đạt được cho từng mục tiêu kể trên.
Thông thường, OKRs của mỗi cá nhân trong 1 chu kỳ (tháng, quý, nửa năm hoặc 1 năm) sẽ có 3-5 mục tiêu chính và mỗi mục tiêu sẽ mang đến 3-5 kết quả then chốt. Việc đánh giá OKRs của mỗi cá nhân được tính theo thang điểm từ 0 – 1.0 cho từng kết quả then chốt. Trong đó:
- 0.7 – 1.0: (thường có màu xanh lá) mức điểm dành cho các cá nhân từng kết quả then chốt trong OKRs
- 0.4 – 0.6: (có màu vàng) mức điểm đánh giá các cá nhân có tiến bộ trong quá trình thực hiện dự án, công việc nhưng không hoàn thành OKRs
- 0.0 – 0.3: (màu đỏ) thang điểm này đánh giá các cá nhân không có sự tiến bộ, cố gắng trong dự án, công việc hoặc do các mục tiêu đưa ra không bám sát với thực tế
Khi áp dụng OKRs vào quản trị nhân sự, doanh nghiệp có thể nhận được những lợi ích sau:
Đảm bảo mọi thành viên đi đúng mục tiêu phát triển của doanh nghiệp
Một trong những lợi ích khi áp dụng OKRs kết nối hiệu suất làm việc của từng cá nhân, team với mục tiêu của toàn doanh nghiệp. Lúc này, nhiệm vụ của đội ngũ quản lý là kết nối các mục tiêu cá nhân của mọi nhân viên hướng tới sứ mệnh chiến lược của công ty. Dựa trên việc hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong doanh nghiệp, mỗi mục tiêu và kết quả chính của các cá nhân hoàn thành sẽ giúp đạt được các mục tiêu của toàn công ty. Vì thế, trong quá trình lên OKRs cho mình, mỗi nhân viên cần hiểu rõ và bám sát các mục tiêu vĩ mô của tổ chức. Khung OKRs đảm bảo rằng mọi người đang di chuyển theo cùng một hướng. Nói cách khác, mỗi cá nhân thực hiện phần của mình để lắp các mảnh ghép của tổ chức lại với nhau.
Linh hoạt áp dụng và điều chỉnh
Không giống như các phương pháp quản trị mục tiêu, kết quả truyền thống, OKRs thường áp dụng cho chu kỳ mục tiêu ngắn hơn, cho phép các cá nhân, phòng ban điều chỉnh và thích ứng với những thay đổi một cách dễ dàng. Quá trình xây dựng mục tiêu cá nhân dựa trên mục tiêu của phòng ban làm cho việc hoàn thành công việc, dự án quan trọng trở nên rõ ràng. Với OKRs chiến lược thường đưa ra với thời hạn một năm, trong khi đó OKRs chiến thuật thường được lên trong 1 quý thậm chí là theo tháng. Nhờ đó, các team có thể chọn áp dụng OKRs một cách linh hoạt và phù hợp với mục tiêu dài hạn hay ngắn hạn. Bằng cách liên tục phân tích kết quả OKRs và điều chỉnh cho các tháng, quý tiếp theo, các doanh nghiệp ở quy mô lớn hay nhỏ đều dễ dàng đương đầu với thử thách và khi khủng hoảng xảy ra sẽ nhanh chóng tìm được giải pháp để phục hồi.
Ưu tiên các vấn đề quan trọng, cốt lõi
Thay vì tập trung giải quyết quá nhiều vấn đề trong cùng 1 khoảng thời gian, OKRs giúp doanh nghiệp xác định các ưu tiên hàng đầu trong từng tháng, quý nhất định. Với OKRs, doanh nghiệp chỉ đưa ra 3-5 mục tiêu quan trọng và trong mỗi mục tiêu chỉ đưa 3-5 kết quả then chốt cần đạt được. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ xem xét, đánh giá đưa các ưu tiên hàng đầu để cả công ty cùng thực hiện trong quý. Nhờ tập trung vào nội dung quan trọng sẽ cải thiện được kỹ năng quản lý thời gian và sắp xếp thứ tự ưu tiên của từng nhân viên
Trao quyền và trách nhiệm giải trình cho từng cá nhân
OKRs là phương pháp quản trị hiệu quả dựa trên thiết lập mục tiêu từ dưới lên. Cách quản trị nguồn nhân lực này cho phép các công ty tận dụng các nhân viên của từng bộ phận để trở thành những người ra quyết định tốt nhất để giải quyết một vấn đề và thực hiện các điều chỉnh khi cần. Vì ban lãnh đạo cấp cao thường không hiểu về các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công việc, việc triển khai OKRs chính là trao quyền cho bản thân nhân viên đặt ra các mục tiêu thực tế, đưa ra các kết quả phù hợp đạt được một mục tiêu cụ thể. Theo thống kê, ít nhất 60% OKRs do chính các thành viên trong mỗi phòng ban đặt ra, không phải do người quản lý. Với cách tiếp cận như vậy, mọi người không chỉ có nhiều quyền tự chủ trong công việc mà còn có trách nhiệm giải trình cá nhân đối với các mục tiêu của mình và có động lực hơn để đạt được chúng.
Tăng cường giao tiếp
Quản trị bằng OKRs mang lại sự minh bạch cho công ty do mọi người đều có thể thấy những gì người khác đang làm. Điều này sẽ thúc đẩy sự cộng tác nhiều hơn giữa các đồng nghiệp, người quản lý đồng cảm với nhu cầu của nhân viên và khuyến khích nhân viên đóng góp rất nhiều vào việc đạt được mục tiêu mong muốn.
Cách xây dựng và triển khai OKRs trong doanh nghiệp hiệu quả
Trước khi triển khai áp dụng OKRs vào quản trị nhân sự, doanh nghiệp xác định chính xác về những khó khăn mà mình đang mắc phải và mục tiêu gì cần đạt được trong tương lai.
Để áp dụng quản lý hiệu suất 1 cách hiệu quả, doanh nghiệp cần phải thực hiện 2 bước: chuẩn bị chiến lược và áp dụng thực tế.
Chuẩn bị chiến lược quản trị OKRs
Ở giai đoạn này, doanh nghiệp cần xác định rõ tầm nhìn sứ mệnh và đảm bảo rằng 2 khái niệm này đảm bảo được tính dài hạn. Sau khi review lại chiến lược dài hạn, doanh nghiệp bắt tay xác định các mục tiêu cụ thể trong vòng 1 năm sắp tới. Để xác định OKRs cho doanh nghiệp, người lãnh đạo có thể thực hiện trưng cầu ý kiến của toàn thể đội ngũ nhân sự. Từ đó, doanh nghiệp có thể dựa trên các ý tưởng khả thi để xây dựng mục tiêu cụ thể cả công ty trong khoảng thời gian nhất định. Để đảm bảo OKRs được triển khai 1 cách hiệu quả, doanh nghiệp chỉ nên giới hạn mục tiêu thực hiện từ 3- 5 OKR. Sau đó, doanh nghiệp cùng nhau thảo luận để đưa ra các kết quả then chốt. Những kết quả này cần dựa trên số liệu cụ thể và tình hình kinh doanh của công ty trong năm trước đó.
Triển khai OKRs trong toàn doanh nghiệp
Sau khi doanh nghiệp xác định rõ chiến lược phát triển trong quý, năm, hãy bắt đầu phổ biến các mục tiêu và kết quả then chốt này đến với toàn công ty. Dựa trên OKRs của doanh nghiệp từng phòng ban sẽ xác định mục tiêu và kết quả then chốt mà team mình cần làm.
Ví dụ: Doanh nghiệp đưa ra mục tiêu thúc đẩy truyền thông nội bộ với các kết quả then chốt:
1: 100% Nhân viên hiểu tầm nhìn, sứ mệnh, VHDN (bao gồm thực tập sinh)
2: Tổ chức đầy đủ 100% các buổi report hàng tuần
3: 4 chủ đề workshop cho 4 quý
Phòng HR sẽ dựa trên đây sẽ đưa ra mục tiêu như: Thúc đẩy chương trình onboarding 1 cách hiệu quả với các kết quả:
- Xây dựng chương trình đào tạo nhập môn trực quan, dễ hiểu, cung cấp đầy đủ nội dung về tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp
- 100% nhân viên mới tham gia đầy đủ các chương trình đào tạo nhập môn
- Đánh giá hiệu quả tham gia đào tạo nhập môn (nhân viên hiểu về tầm nhìn sứ mệnh của công ty đạt 80%)
Sau khi các thành viên trong công ty đã lên OKRs cho bản thân mình, bộ phận quản lý trực tiếp và lãnh đạo cấp cao cần đánh giá xem xét những mục tiêu kết quả then chốt này đã phù hợp chưa. Trong suốt quá trình thực hiện OKRs, doanh nghiệp cần liên tục kiểm tra tiến trình thực hiện phương pháp quản trị này để điều chỉnh kịp thời và đảm bảo mọi hoạt động vẫn đang đi đúng hướng ban đầu.
OKR là phương pháp quản trị nguồn nhân lực dựa trên thúc đẩy hiệu suất làm việc thực tế của từng cá nhân trong doanh nghiệp. Mô hình quản trị này giúp doanh nghiệp lựa chọn và ưu tiên triển khai mục tiêu theo mức độ quan trọng một cách khoa học, thống nhất và hiệu quả hơn. Mong rằng qua bài viết này giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về OKRs cũng như cách xây dựng, triển khai quản trị bằng mục tiêu, kết quả then chốt đạt hiệu quả tốt.