Nokia là thương hiệu từng vang bóng một thời hàng chục năm thống trị thị trường điện thoại di động. Tuy nhiên vào năm 2011, 18.000 nhân viên của Nokia bị sa thải hàng loạt. Nhưng công ty đã có chiến lược quản lý nhân sự rất hay, khiến những ai bị đuổi cũng không cảm thấy quá nặng nề. Vậy chiến lược đó là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Công ty Nokia sa thải 18.000 nhân viên tại 13 quốc gia
Trong một thông báo công khai, Giám đốc Microsoft Satya Nadella vào 2011 tiết lộ rằng công ty sẽ cắt giảm tới 18.000 việc làm. Gần 70% số lần sa thải sẽ ảnh hưởng đến các cựu nhân viên của Nokia — tăng đáng kể so với con số dự kiến cắt giảm 1.000 việc làm mà một tờ báo Phần Lan đưa tin hôm qua.
Sa thải đã trở thành câu trả lời mặc định của nhiều doanh nghiệp đối với sự thay đổi lực lượng lao động. Điều này tưởng chừng sẽ giúp công ty thoát khỏi gánh nặng tài chính nhưng thực chất lại gây tổn hại nhiều đáng kể, nhất là phá vỡ niềm tin vào doanh nghiệp.
Điều đầu tiên, niềm tin của người lao động đã bị hủy hoại sâu sắc từ việc cắt giảm nhân sự bởi nó động chạm đến nỗi sợ hãi lớn nhất của mọi nhân viên trên thế giới, đó là mất việc. Những nhân viên được giữ lại cũng thấy bất an. Nghiên cứu của Đại học Wisconsin-Madison ở Mỹ cho thấy, việc sa thải hàng loạt 1% sẽ dẫn tới tăng tỷ lệ turnover lên 31%. Song song, mức độ hài lòng của các nhân viên ở lại sẽ giảm 41%, độ trung thành với công ty giảm 36% và hiệu suất làm việc cũng giảm 21%.
Thứ hai, thay đổi nhân sự thường có tác động trung lập hoặc tiêu cực đến giá cổ phiếu của công ty. Tệ hơn nữa, nghiên cứu cho thấy lợi nhuận của các công ty này thường giảm trong ba năm sau khi sa thải hàng loạt và thậm chí có nguy cơ phá sản trong vòng năm năm. Trước đây, công ty đã đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc đào tạo nhân sự của mình. Khi doanh số bán hàng bắt đầu tăng trở lại, công ty lại phải đầu tư vào việc thuê nhân viên mới.
Vì vậy, cần xem xét việc sa thải hàng loạt như thế nào sẽ giảm thiểu thiệt hại cho mọi người liên quan, đồng thời bảo vệ uy tín của công ty trên thị trường. Đợt sa thải tới 18.000 nhân viên của Nokia trong cuộc Đại suy thoái năm 2011 được coi là đợt sa thải “nhân đạo” và độc đáo nhất trong lịch sử của một công ty công nghệ.
>>> Thách thức quản trị nguồn nhân lực trong thời đại 4.0
Nokia đã làm gì để đền bù “thiệt hại” cho nhân viên bị sa thải?
Những năm đó, mảng điện thoại di động của Nokia trở nên khá bấp bênh. Để trụ vững trên thị trường, Nokia buộc phải thực hiện thay đổi chiến lược nhân sự và sa thải hơn 18.000 nhân viên trên 13 quốc gia.
Dù sao cũng không thể tránh khỏi thảm họa này, ban lãnh đạo Nokia quyết định làm một điều gì đó để giúp nhân viên rời công ty bớt hụt hẫng hơn. Chương trình Bridge được ra đời như giải pháp “giảm nỗi đau” cho những ai sắp mất việc. Mục tiêu chủ yếu của Bridge là giúp nhân viên cũ tìm được một “bến đỗ” mới, hoặc ít nhất giúp họ kế hoạch khác sau khi rời công ty thay vì cảm thấy tuyệt vọng và mất phương hướng.
Nokia đã tạo ra một triết lý mới trong quản lý nhân sự. Họ thừa nhận trách nhiệm của mình với nhân viên và xã hội với tư cách là một nhà tuyển dụng lớn. Điều thú vị là, chương trình Bridge được dẫn dắt bởi một số quản lý cũng sắp mất việc. Trong chương trình này, nhân viên được hỗ trợ một trong năm con đường sau:
- Tìm một công việc khác trong công ty Nokia: Chi nhánh nào của Nokia còn hoạt động và sẽ đăng công khai các vị trí tuyển dụng, liệt kê các kỹ năng cần thiết và tránh sự thiên vị từ các nhà quản lý khu vực. Ngoài ra, Nokia cũng có các chương trình giữ chân nhân viên có trình độ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
- Tìm việc khác ngoài Nokia: Bridge giúp đỡ nhân viên tìm việc qua các hoạt động như tư vấn hướng nghiệp, chỉnh sửa CV và đi tìm các Job Fair cho họ, đồng thời tạo ra các nhóm mở rộng mối quan hệ xã hội trên Facebook và LinkedIn.
- Tự kinh doanh: Chương trình Bridge cũng trợ cấp cho những nhân viên muốn tự kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực nào. Nokia sẽ đánh giá tính khả thi của kế hoạch kinh doanh, nhân viên được đào tạo, huấn luyện, hoặc hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư địa phương. Những ý tưởng kinh doanh nào sử dụng nguồn lực của Nokia sẽ được trụ sở chính phê duyệt, còn lại thì được đánh giá và xét duyệt bởi hội đồng doanh nghiệp địa phương và các chuyên gia bên ngoài.
- Đào tạo và phát triển nhân viên cũ: Nếu nhân viên muốn học một ngành nghề mới, hay nâng cao kỹ năng hiện có, Bridge cũng sẵn lòng hỗ trợ tài chính cho họ.
- Những con đường khác: Nếu nhân viên cũ của Nokia có một kế hoạch riêng biệt, ví dụ như nghỉ làm đi từ thiện, tình nguyện thì Bridge cũng sẽ có gói hỗ trợ tài chính cho họ.
Trong thời gian này, nhân viên có thể thay đổi suy nghĩ và chuyển từ con đường này sang con đường khác. Nhờ chương trình này, 60% trong số 18.000 nhân viên bị sa thải ấy có một kế hoạch khác cho sự nghiệp của mình. Tầm 1.000 doanh nghiệp đã được mở ra nhờ nguồn tài trợ của Bridge. 85% những người tham gia chương trình ở Phần Lan cho biết họ rất hài lòng. Ở một số khu vực, chương trình cũng đã giúp chính quyền địa phương tìm được các công ty mới tiềm năng để tiếp quản các nhà máy của Nokia.
Chi phí dành cho chương trình này là 50 triệu Euro, tính trung bình là khoảng 2.800 Euro/nhân viên, tương đương với 4% tổng chi phí Nokia dành cho việc tái cơ cấu từ năm 2011 đến năm 2013.
Chi 50 triệu Euro, Nokia nhận lại được gì?
Bridge đang giúp Nokia tránh được tổn thất lớn do sa thải hàng loạt. Hiệu suất làm việc của những người ở lại không bị sụt giảm, mức độ trung thành vẫn được giữ nguyên. Nhân viên tại các địa điểm từng xảy ra cắt giảm nhân sự đã tạo ra 3,4 tỷ Euro doanh thu từ sản phẩm mới, ngang bằng với những gì họ đã mang lại trước đây.
Năm 2015, chính phủ Phần Lan đã thành lập một nhóm nghiên cứu các chương trình hỗ trợ người lao động bị sa thải. Nhóm này nhận định rằng chương trình Bridge của Nokia là phương pháp hay nhất. Hiện nay, Phần Lan đã yêu cầu các công ty có trên 20 nhân viên nếu muốn sa thải hàng loạt thì phải xem xét các giải pháp thay thế hoặc đào tạo và phân bổ lại nhân sự.
Nếu Nokia không chi 50 triệu Euro thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Chương trình Bridge của Nokia phần nào được hình thành từ một trải nghiệm không vui trước đây của chính công ty. Năm 2008, Nokia quyết định đóng cửa nhà máy Bochum ở Đức vì giá điện thoại di động trên thị trường giảm 35% mà chi phí lao động của Đức thì tăng 20%. Từ góc độ kinh doanh, việc quyết định đóng cửa nhà máy là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc đóng cửa Bochum lại diễn ra ngay sau lễ ăn mừng lợi nhuận tăng 167% của Nokia.
Vì vậy, khi Nokia tuyên bố đóng cửa với nhân viên của mình ở Bochum, đám đông đã rất tức giận: Một tuần sau, 15.000 người đã tập trung trước nhà máy ở Bochum. Các tổ chức công đoàn đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Nokia, bộ trưởng tài chính Đức đã buộc tội Nokia, chính phủ liên bang đã mở một cuộc điều tra về việc liệu Nokia có ăn cắp trợ cấp địa phương để tạo việc làm hay không.
Kết quả là Nokia phải trả khoản trợ cấp thôi việc lên tới 200 triệu Euro, tức 80.000 Euro/nhân viên. Đây là khoản thanh toán rút lui lớn nhất trong lịch sử nước Đức. Trong khi đó, chương trình Bridge chỉ tiêu tốn tầm 50 triệu Euro, một chi phí không quá đắt đỏ cho tình hình hiện tại.
Việc đóng cửa nhà máy Nokia ở Bochum đã làm xói mòn lòng tin mọi người trên nhiều mức độ. Nhân viên đã hy vọng Nokia sẽ giúp đỡ họ. Chính quyền địa phương đã tin rằng Nokia sẽ sử dụng các khoản trợ cấp để tạo thêm việc làm. Xã hội Đức từng tin rằng Nokia là một công ty có trách nhiệm.
Nhưng với chương trình Bridge, Nokia duy trì được lòng tin của nhân viên, cộng đồng và chính quyền địa phương. Công ty đã rút ra bài học từ câu chuyện cũ ở Đức, giờ đây việc sa thải hàng loạt nhân viên có thể được thực hiện một cách “ôn hoà” hơn để giảm thiểu thiệt hại cho các bên liên quan.
Ta học được gì từ chiến lược quản lý nhân sự của Nokia?
Có thể thấy Nokia đã thành công trong việc lấy lại lòng tin công chúng nói chung, những nhân viên bị sa thải nói riêng, và cả những người ở lại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không chỉ cần lập ra chiến lược quản lý nhân sự hiện tại mà còn nên lên kế hoạch cho những sự cố không mong muốn, chẳng hạn như suy thoái kinh tế dẫn đến sa thải hàng loạt. Nokia đã cho ta thấy những giải pháp hữu hiệu giải quyết thực trạng trên: Kiếm việc làm khác cho nhân viên, hỗ trợ người lao động hoàn thiện CV, hỗ trợ tài chính cho họ làm những điều bản thân muốn về sự nghiệp, đào tạo chuyên môn cho họ…
Ngoài việc thay đổi chiến lược kinh doanh giữa thời đại suy thoái kinh tế như hiện nay, một trong những cách hiệu quả có thể triển khai từ bây giờ cho nhân viên chính là xây dựng chương trình đào tạo nhân sự. Điều này giúp nhân viên trau dồi kỹ năng cần thiết phục vụ công việc cũng như phát triển sự nghiệp của họ một cách tối đa. Khi tổ chức đầu tư phát triển nhân viên, họ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và có giá trị trong công ty, điều này cũng tăng lòng trung thành và thúc đẩy hiệu suất làm việc tăng cao.
Tóm lại
Nokia đã hiểu một cách sâu sắc rằng có một giải pháp quản lý nhân sự tốt hơn khi nói đến việc sa thải nhân viên, một cách tiếp cận đã mang lại lợi ích cho những người khác, bao gồm cả Microsoft cũng như phần còn lại của Phần Lan.
Khi nền kinh tế đang suy giảm, các công ty sẽ phải đối mặt với những quyết định khó khăn để duy trì tính cạnh tranh. Họ có nguy cơ đối mặt với sự phẫn nộ mà Nokia từng đối mặt, gây tổn hại đến năng suất, sự đổi mới và khả năng thu hút nhân tài mới của họ. Họ cũng có nguy cơ làm tổn thương lợi nhuận của mình và phá vỡ niềm tin của cộng đồng mà họ dựa vào. Hoặc họ có thể học hỏi từ ví dụ của Nokia và bỏ qua những hậu quả điển hình của việc sa thải, bằng cách học cách làm chúng tốt hơn.
>>> Có thể bạn quan tâm: Lý do nên sử dụng triết lý quản trị nhân lực Kaizen